2021 ANIME AWARDS – BEST OF DRAMA ANIME
vivu đề cử Wonder Egg Priority.
Đây là một lựa chọn khó khăn. Mình suy nghĩ khá lâu, nhưng cuối cùng vẫn quyết định chọn Wonder Egg Priority (WEP). Với mình, bộ anime này mang một vẻ đẹp hết sức đau lòng và bất lực của sự tan vỡ nhân cách.
WEP có phần hình thức được chăm chút và đầu tư khá tốt. Thiết kế nhân vật ổn, vận dụng màu sắc và ánh sáng tốt, hoạt họa chỉn chu, âm thanh thật sự có điểm nhấn. Sự tươi sáng, rực rỡ và đầy đáng yêu của WEP hoàn toàn khiến người ta mất cảnh giác trước hướng tiếp cận nội dung của nó.
Cảm nhận chung về cách biểu hiện nội dung của WEP là quá mức trần trụi và thẳng thắn. Hai mặt diễn đạt là ẩn dụ bằng hình ảnh và ngôn ngữ đối thoại đều mang một lối tư duy ngay thẳng và không hề kiêng dè.
Một mặt, yếu tố “fantasy” của WEP tuy mang tính biểu tượng, có vẻ kì quái nhưng thật ra đều rất dễ hiểu. Việc suy luận xem chúng đại diện cho điều gì trong hiện thực không có gì khó khăn cả. Ví dụ Wonder Killer biểu tượng cho “người lớn độc ác”, đội “nhắm mắt làm ngơ” hay đội “anti” là những kẻ hùa theo với những “lưỡi dao” lời nói cay độc. Toàn bộ “thế giới ảo ảnh” này phản ánh rõ ràng hiện thực xấu xí và đau lòng đằng sau lựa chọn chấm dứt sinh mạng của những cô gái trẻ. Đó là bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần, lăng mạ, hạ nhục và xâm hại. Nhưng điểm yếu chí mạng của “chương trình trứng” khiến nó không thể hiện được “bức tranh toàn cảnh” của vấn nạn tự tử chính là định kiến về “một kẻ để đổ lỗi”. WEP là một thế giới tưởng tượng quá “hoàn hảo” cho những người như Ai và các bạn để tìm kiếm cảm giác chính nghĩa và niềm tin rằng những việc mình làm sẽ có kết quả.
Sự tồn tại của thế giới tưởng tượng đưa mình quay ngược lại đánh giá thế giới “hiện thực” trong WEP. Những đoạn hội thoại tưởng như đơn thuần và vu vơ giữa các cô gái khiến mình khá bất ngờ. Sự kết nối đặc biệt giữa 4 nhân vật chính dường như vượt lên trên sự gắn kết bạn bè, chúng thể hiện sự đồng nhất và thấu hiểu lẫn nhau. Đôi khi nó giản đơn, trực diện nhưng rất sắc bén với nhiều quan điểm trái chiều khá hiếm gặp, như thể sự tự vấn trong nội bộ một nhân cách.
Lối tư duy bất thường của WEP gây ra một nghi ngờ rất không thường thấy khi bạn chọn anime để giải trí, nó có cái gì đó quá sức thực tế và nghiêm túc. Nó mang đầy màu sắc của những rối loạn tâm thần: Trầm cảm, tự làm tổn thương, ảo giác, rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt, tan rã nhân cách, ý tưởng và hành vi tự sát. Mình chính là đang muốn nói rằng, WEP và các nhân vật của nó đang suy nghĩ theo cách của những kẻ ĐIÊN. Tuy nhiên quan điểm tâm thần học chính thống sẽ có một cái tên khác: đó là HOANG TƯỞNG.
“Thế giới trứng” không phải là tưởng tượng của biên kịch, mà nó được định hình là thế giới trong tâm trí được chính các nhân vật tạo ra. Đó là lý do cho sự màu sắc và “tiện lợi” của nó.
Còn vai trò của Acca/ Ura-Acca và cả Frill thì sao? Acca và Ura-Acca tự nhận là những người đã tạo ra WEP, họ gọi những cô gái là “Chiến binh của Eros” với nhiệm vụ chống lại Thanatos. Trong thần thoại Hy Lạp, Eros là thần tình yêu, và Thanatos là Cái ch.ết. Mục đích của WEP không chỉ là cứu giúp các cô gái khỏi cái ch.ết, mà ý tưởng khởi nguyên ban đầu của nó là “thu thập số liệu” để lý giải cho “sự hấp dẫn của cái ch.ết”. Thẳng thắn mà nói nó là một “liệu pháp tâm lý” nghe có vẻ tốt đẹp nhưng lại vô đạo đức và ngụy khoa học.
Còn Frill, vốn dĩ là sản phẩm từ sự yêu thương biến thành ác độc của hai nhà khoa học này. Frill can dự vào WEP, trực tiếp đập tan sự gắn kết “lành mạnh” duy nhất tồn tại trong thế giới ảo tưởng ấy. Việc hạ sát linh vật và buộc các cô gái phải nếm nó chẳng khác nào “hổ ăn thịt con”. Kiểu ra tay tàn nhẫn này tương đồng với một manga khác : Chainsaw Man, với phương pháp “cho một kẻ không có gì tất cả mọi thứ, sau đó cướp lại tất cả mọi thứ và chính bản thân hắn” của Makima. Có thể nói là một đòn tấn công tâm lý cực kì tinh vi và khủng khiếp, hoàn toàn có thể gây ra sự tan vỡ và tự hủy nhân cách.
Diễn biến của WEP càng về sau càng như người khát nước uống rượu độc. Nhìn thì có vẻ mọi thứ đã chấm dứt, nhưng nỗi ám ảnh về cái ch.ết hoàn toàn không mất đi, sự tạo dựng nên “thế giới song song” để phủ nhận cái chết vẫn còn tồn tại. Ooto Ai có thể nhận ra suy nghĩ tự dàn dựng của mình là sai lầm nhưng vẫn chưa thể thoát ra khỏi lối tư duy độc hại ấy.
Nhiều người cho rằng điều này làm cho WEP chẳng đi đến đâu cả, nhưng sự tự vùng vẫy bất lực ấy của nó lại phản ánh được thứ hiện thực không ai muốn thừa nhận : Chúng ta không dễ dàng gì chiến thắng được các bệnh tâm lý, việc cầm hòa với nó cũng là một loại nỗ lực rất phi thường.
Các giải danh dự ở hạng mục này: Hataraku Saibou Black
suba đề cử Beastars S2.
Beastars là 1 bộ anime kỳ lạ về 1 con sói kỳ lạ đã yêu phải một con thỏ. Những bộ anime có chủ đề nhân hóa động vật thành hình người như Beastars thường hay bị người ta gắn với những thành phần người xem có sở thích “khác biệt” gọi là furry. Tuy nhiên, người hoàn toàn không phải furry vẫn xem được tốt là vì ta phải thừa nhận những tiềm năng mà loại chủ đề này đem lại đó là sự đào sâu vào nhân vật và xung đột nội tâm khi những loài động vật có ngoại hình hoàn toàn khác nhau được mang tính cách của con người, thì họ phải làm sao để giải quyết bức tường ngăn cách giữa các giống loài.
Và Beastars là 1 đại diện tiêu biểu như vậy, nổi bật lên nhờ vào sự xây dựng nhân vật đầy hấp dẫn. Bằng cách thể hiện sự đấu tranh giữa phần “con” và phần “người”, tác phẩm đã tạo nên nhiều tuyến nhân vật có sự đa dạng khác nhau. Chúng ta có nhân vật chính Legoshi là 1 chàng sói vẻ ngoài hiền lành, ít nói nhưng lại có trái tim đầy nhiệt huyết, mong muốn được bảo vệ kẻ yếu. Nghe có vẻ giống như nhân vật chính trong những bộ shounen theo chủ nghĩa anh hùng. Thì đúng là như vậy, nhưng mà nhờ vào sự miêu tả nội tâm rất chi tiết và cách mà cậu ta từ từ thay đổi, kiềm chế bản chất hoang dã mà ngày càng trưởng thành hơn cũng đem đến nhiều sự thú vị cho khán giả.
Nếu Legoshi là anh hùng thì Louis có thể gọi là “phản anh hùng”. Chúng ta thấy sự tương phản rõ nét giữa 2 nhân vật khi mà Legoshi bên ngoài hiền lành nhưng bên trong mạnh mẽ còn Louis tuy tỏ ra mạnh mẽ nhưng thật ra lại có nội tâm yếu đuối, bị “victim complex” lúc nào cũng nghĩ mình sống là nhờ vào sự thương hại của giống loài ăn thịt. Ở season 2 có thể nói Louis là nhân vật có sự thay đổi rõ ràng nhất, rẽ vào 1 hướng đi mà ta không hề ngờ tới. Nhờ vậy mà Louis mới nhận ra rằng cậu ta thật ra cũng thích loài ăn thịt cũng giống như cái cách mà Legoshi thích loài ăn cỏ mà thôi.
Cái cách mà tác phẩm thể hiện mối quan hệ giữa 2 nhân vật chính cũng đem lại cho khán giả nhiều sự hứng thú tìm hiểu bởi vì nhiều cảm giác phức tạp đan xen với nhau. Họ không hẳn là bạn thân hay kẻ thù nhưng lại có sự ngưỡng mộ dành cho nhau và cả những sự ganh tỵ, từ đó giúp tạo nên động lực để cả hai cùng đi tiếp con đường của mình.
Bên cạnh đó ở mùa 2 ta cũng có sự lộ diện của nhân vật phản diện đứng đằng sau cái chết của Tem ở đầu bộ anime. Một lần nữa lại là 1 nhân vật có nhiều điểm giống và trái ngược với Legoshi. Ban đầu khán giả có thể sẽ nghĩ rằng nhân vật phản diện chỉ là kẻ xấu đơn giản giống như bọn mafia sư tử của phần 1, thế nhưng tác phẩm lại xây dựng được 1 nhân vật đa chiều. Từ đó trả lời được câu hỏi sẽ như thế nào nếu như Legoshi không thể kìm chế bản chất hoang dã, phần con của mình mà để nó điều khiển mình. Mà ngay cả dám sư tử Shishi-gumi cũng thể hiện những mặt tốt của mình đã cho ta thấy mùa 2 có sự xây dựng nhân vật tốt hơn hẳn mùa 1.
Về chất lượng sản xuất thì studio Orange vẫn tiếp tục giữ vững phong độ của mình, chứng tỏ họ là studio chuyên làm 3D CGI tốt nhất trong anime. Cái cách mà họ đổ bóng những hình ảnh CGI sao cho nhìn giống 2D là hoàn toàn tự nhiên làm cho tôi nhiều khi không nhận ra là mình xem 1 bộ 3D, chẳng có gì khác với 2D cả. Ở 1 số cảnh thì studio đã có sự sáng tạo nghệ thuật chuyển đổi phong cách đầy mượt mà ví dụ như cảnh tượng quá khứ của Louis.
Nhìn chung mùa 2 của Beastars không những giữ được chất lượng của mùa 1 mà còn nâng tầm tác phẩm, khiến cho nó trở thành lựa chọn sáng giá nhất của tôi cho mục Best drama. Beastars có thể là 1 một bộ anime kỳ lạ cho những kẻ kỳ lạ thế nhưng tôi không quan tâm nhiều, miễn là hay có writing tốt là được rồi.
Các giải danh dự ở hạng mục này: Fumetsu no Anata e.
Tác phẩm “To your eternity” đã tạo ra 1 cột mốc trong năm nay đó là một trong những tập đầu cảm động nhất mọi thời đại. Những tập về sau tuy không phải tệ nhưng cảm giác vẫn có sự thụt lùi, tôi nghĩ là do vấn đề pacing từng arc có vẻ kéo dài hơi quá mức cần thiết. Nói chung do tập đầu quá hay, gây ấn tượng quá mạnh đến khán giả nên cũng khó để mà theo được, nhưng mà tôi vẫn nghĩ xứng đáng được “honorable mention” vậy.
v4v đề cử Uma Musume: Pretty Derby S2.
Khó có thể tin được một show về … ngựa đua của Cygames lại có thể lay động mình đến vậy! Đây không chỉ đơn thuần là một bộ được thực hiện để quảng cáo game, mà còn là tác phẩm to tát hơn, thể hiện nên mong muốn tạo ra một tuyệt phẩm ghìm chặt khán giả trên ghế, khiến họ trông ngóng theo từng bước chân, từng câu chuyện về cuộc đời của các nhân vật trong tác phẩm.
Cũng cần phải nói thêm, Uma Musume là một dự án “multimedia franchise” (dịch nôm na là thương hiệu đa truyền thông) của Cygames, mà yếu tố thiết yếu gắn kết mọi thứ lại, chính là bằng tác phẩm anime. Hay nói một cách khác, sự thành bại của dự án này phụ thuộc rất nhiều vào việc anime có đủ sức lôi kéo khán giả đến với thương hiệu “Uma Musume” không. Và khỏi phải nói, Uma Musume S2 đã xuất sắc làm được điều này!
Thậm chí mình còn cho rằng, Uma Musume s2 là một tác phẩm độc lập so với game, hoàn thiện, tự đứng được trên đôi chân. Tác phẩm không những giới thiệu những “ngôi sao” của game như Teio, McQueen, mà còn dàn dựng lên một câu chuyện hoàn chỉnh về cuộc đời của những con ngựa đua được nhân tính hóa, dự trên các sự kiện lịch sử có thật.
Season 2 khoác lên mình một bộ mặt mới, lẫn hoán đổi vai nhân vật chính. Hãy quên đi những gì bạn đã từng biết về season đầu tiên! Teio giờ đây là tâm điểm chú ý thay cho Spec, một “cô gái” (ngựa) tự vươn lên bằng nỗ lực và tài năng. Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng, mà có lúc gập ghềnh, lên voi xuống chó. Chú ngựa Teio trong lịch sử cũng đã từng gặp không ít thất bại đắng cay, với dai dẳng chấn thương trong sự nghiệp. Điểm đặc sắc của tác phẩm là đội ngũ thực hiện cực kì sắc sảo trong việc nhân tính hóa những thất bại, nỗi đau này qua hình tượng nhân vật Teio – một cô gái giàu nghị lực không bỏ cuộc. Chỉ là những gì (đã) diễn ra với một con ngựa đua trong lịch sử thôi, nhưng qua Teio, mình đã vui mừng khi cô dành chiến thắng, đã phải sụt sùi khi cô gặp chấn thương ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, có lúc Teio ôm đôi chân khóc thét lên :”Tôi sẽ không thể được chạy như vậy nữa” mà con tim mình như thắt lại, quặn đau. Sao mà chân thật quá!
Nhưng yếu tố khiến Uma Musume S2 hoàn toàn áp đảo những đối thủ nặng ký khác, tạo ấn tượng không phai ở mình cho đến giờ, là việc tác phẩm giới thiệu thêm McQueen. Nhân vật chính sẽ không thể hoàn thiện, nếu không có “nửa kia” bù đắp vào. Sự phát triển của McQueen cũng rất thú vị không kém cạnh Teio là bao! Cả hai đều là những nhân vật giàu nghị lực, quyết ăn thua đủ với nhau. Tác phẩm đã – một lần nữa mình phải khen – rất xuất sắc khi chuyển hóa vai “kình địch đối đầu” của McQueen thành “đôi bạn cùng tiến”.
Mối quan hệ giữa họ là mối quan hệ đa chiều, năng động, bù đắp những khuyết điểm, lẫn thiếu sót cho nhau, một mối quan hệ cho và nhận. Việc lựa chọn lồng ghép mối quan hệ Teio – McQueen vào tác phẩm là hướng đi rất đúng đắn của đội ngũ thực hiện, vì không những điều này khiến cho câu chuyện trở nên giàu tính nhân văn hơn bởi những mối quan hệ chân thật giữa người với người, mà còn tạo ra động cơ và nghị lực làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển ở chính họ, sẽ rất buồn chán và thiếu thuyết phục nếu như nhân vật chính cứ mãi “vượt lên chính mình” mà không có một lực từ bên ngoài nào tác động đến. Teio và McQueen đã ở bên nhau, trong những giờ phút tuyệt vọng, để động viên lẫn nhau.
Và cũng vì McQueen mà đoạn “cuộc đua kì diệu cuối cùng của Teio” trở nên giàu kịch tính, một trong những phân đoạn “hạ màn” hay nhất và đáng nhớ nhất trong năm khép lại tác phẩm, một lần nữa củng cố ngôi vị best drama trong năm của Uma Musume S2 trong lòng mình. Bởi đơn giản, tất cả những tinh hoa, những gì nhân vật từng trải, từ nghị lực cho đến khát vọng, sự hy sinh, từ nỗi đau cho đến niềm vui, lòng tin đặt trên người thân … bao nhiêu cảm xúc dồn nén bấy lâu như được bùng nổ ở những giây phút cuối của cuộc đua “nhiệm màu” này. Trên vai Teio, là gánh nặng, khao khát của tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cô. Một kết thúc rất, phải nói là rất thỏa mãn người xem!