AnimePhân Tích & Cảm Nhận

2021 ANIME AWARDS – BEST OF CINEMATOGRAPHY

🏆 vivu đề cử 86.

Nếu v4v nhận xét với những tìm hiểu khá chuyên sâu, thì mình đơn giản chỉ dựa vào cảm giác. Khi đã quen với lối diễn đạt điện ảnh do người đóng, sẽ lập tức thấy quen thuộc với cách triển khai của 86.

Bởi vì chỉ là cảm giác, nên việc chỉ ra từng yếu tố hơi khó diễn đạt. Vì thế mình sẽ dùng 2 ví dụ để nói lên tại sao mình cảm thấy thỏa mãn về nghệ thuật điện ảnh trong 86. Trùng hợp là cả hai trường đoạn này đều là những cuộc nói chuyện có vẻ hết sức bình thường, nhưng nhờ vận dụng cinetography, chúng đều trở nên hấp dẫn và giàu tính biểu đạt hơn rất nhiều.

Đầu tiên, hãy nói đến phân cảnh Lena thuyết phục Annette trong tập 9 phần 1. Bối cảnh là trước cửa nhà Annette, thời điểm là buổi tối và trời mưa, nội dung là Lena tiết lộ danh tính của Shinei để gây sức ép khiến Annette phải hack vào hệ thống giúp mình.

Đây là một đoạn hồi tưởng, nhưng nó có vai trò mấu chốt thể hiện biến chuyển tâm lý của Lena. Xét về góc máy, cảnh này vận dụng luân phiên khá nhiều góc khác nhau từ cao xuống thấp. Tư thế giấu mặt của Lena được duy trì đến đúng thời điểm, tạo thành điểm nhấn đặc biệt khi chuyển sang cận cảnh đôi mắt. Trong khi Annette để lộ trọn vẹn biểu cảm của mình và rơi vào thế yếu trong cuộc nói chuyện. Về khung hình, cả viễn cảnh (quay từ xa qua hàng rào), toàn cảnh (hai người), cận cảnh (nửa thân người phía trên) và đặc tả (khuôn mặt, đôi mắt) đều được sử dụng. Về bố cục nhiếp ảnh, khung hình luôn được chủ ý chia đôi một cách rất rõ ràng khi xuất hiện cả hai nhân vật. Bố cục ánh sáng cũng có sự thay đổi, ban đầu phân chia rõ ràng người ngoài sáng – người trong tối, nhưng khi Lena lùi dần vào màn mưa, Annette đuổi theo, chấp nhận nửa tối và hòa vào cơn mưa. Dù trên mặt hình ảnh hay đối thoại, cảnh phim lúc này đều có chung một thông điệu đó là sự đồng thuận từ Annette.

Ví dụ thứ hai cũng là một trường đoạn nói chuyện, hai nhân vật là Raiden và Shinei ở tập 9 phần 2. Bối cảnh là cầu vượt đường sắt bỏ hoang, thời điểm hoàng hôn, nội dung là việc Raiden thuyết phục Shinei không tự hành động một mình.

Bản thân địa điểm được lựa chọn đã là một không gian “thiếu lối thoát”: Hàng rào mắt cáo bao cả hai bên, nền cứng phía dưới và phía trên đầu bị giới hạn bởi những giầm sắt bọc lại như một cái lồng hé mở. Dễ dàng nhận thấy hướng nhìn đến từ 4 phía và từ trên xuống, nhưng thật ra góc máy lại cố định và khá hạn chế. Hình ảnh chủ yếu là trực diện, góc nghiêng được đặt ở hai phía đầu cầu, chỉ có sự sai khác chút ít của góc độ để lộ mặt nhân vật. Để tránh nhàm chán cho cảnh quay, chuyển cảnh được thực hiện liên tục luân phiên giữa các góc nhìn, gây một nhịp độ khá nhanh.

Cách bố trí khung hình và ánh sáng cũng hoàn toàn khác với cảnh giữa Lena và Annette. Ngẫu nhiên với góc nhìn quá hẹp, Raiden và Shinei thường xuyên bị chồng lấn trong cùng một khung hình, khó có thể tách bạch được hai nhân vật. Đồng thời, góc từ trên cao và từ hai bên hàng rào lại thể hiện sự đóng kín và biệt lập gây ra bởi các dầm kim loại chắc chắn.

Thêm vào đó, sự thay đổi độ sâu trường ảnh với việc nhấn mạnh tấm rào mắt cáo cùng khung cảnh phía sau được lặp lại đến hai lần (và một lần thứ ba nữa trong cảnh của những người còn lại). Điều này làm nổi bật sự trái ngược trong tình thế giữa Raiden và Shinei. Bên ngoài “chiếc lồng”, phía sau Raiden là một đường ray trải dài hoàn toàn nguyên vẹn, còn phía sau Shinei lại là một con đường đã bị chặn lại. Điểm này giống như ngụ ý cho “tương lai” bên ngoài tù ngục.

Thế nhưng rồi một lần nữa sự vận dụng ánh sáng đã kéo hai nhân vật gần lại, với hình ảnh hai chiếc bóng chồng hẳn lên nhau. Cảnh cuối này lại diễn giải một cảm giác đồng nhất hoàn hảo giữa hai nhân vật.

Nếu phải đem ra so sánh, cảnh Raiden – Shinei mang nhiều năng lượng và sức mạnh hơn, cũng thẳng thắn và gấp gáp hơn so với cảnh Lena – Annette. Nhưng chúng đều có điểm chung ở tính nhịp điệu và tính biểu tượng cao.

Những đặc tính điện ảnh này kết hợp với một cốt truyện tốt và âm thanh tuyệt vời đã làm nên sức biểu đạt cực kì mạnh mẽ cho 86, gây ra ấn tượng cảm xúc cho người xem. Với cá nhân mình, chỉ cần như thế thôi đã khiến nó trở thành một tác phẩm đáng giá rồi.

🏆 v4v đề cử Heike Monogatari.

Nếu con chữ và văn phong làm nên phong cách của một nhà văn, thì đối với một đạo diễn, đấy là nghệ thuật hình ảnh. Một cuốn sách “hay”, một bài văn “hay”, trước nhất là phải có câu từ lưu loát để khiến khán giả muốn đọc. Dần dà, từng câu, từ, chữ được bố trí với với những vần điệu thích hợp, tạo nên phong cách người viết. Phim ảnh cũng như vậy, từng thước phim sẽ nói lên đặc tính của người thực hiện qua cách thức họ sử dụng góc quay, phối cảnh, màu sắc để kể một câu chuyện trên màn ảnh.

Và trong năm 2021, không gì làm mình ấn tượng hơn Heike Monogatari của nữ đạo diễn xuất sắc nhất hiện nay trong ngành công nghiệp anime. Chắc có lẽ mình không cần giải thích dài dòng gì về Naoko Yamada. Sau 2 năm vắng bóng trong ngành (vì lí do dễ hiểu), cô quay trở lại với dự án Heike Monogatari ở Science Saru, Yamada đã rời khỏi mái nhà Kyoto Animation sau hơn một thập kỷ gắn bó cùng nhau. Sự ra đi của cô tuy là mất mát lớn đối với KyoAni nói riêng, nhưng đã mở ra chương mới trong sự nghiệp Yamada, giúp cô theo đuổi tầm nhìn nghệ thuật của riêng bản thân. Và Heike Monogatari chính là thành quả, là sự kết tinh khi tài năng nghệ thuật của Yamada đã trở nên chín muồi.

Tác phẩm còn có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc đã cộng tác với Kyoto Animation như kịch bản gia Reiko Yoshida và nhà soạn nhạc Kensuke Ushio. “Những câu chuyện của Heike” là biên niên sử thi bằng văn xuôi kể về cuộc đối đầu giữa tộc Taira và Minamoto để giành lấy quyền cai trị Nhật ở cuối thế kỷ 12. Tác phẩm có sự ảnh hưởng lớn lên nền văn học và diễn kịch ở Nhật, ta sẽ theo dõi diễn biến của cuộc chiến qua đôi mắt của một cô gái trẻ.

Dấu ấn của Yamada được thể hiện ngay từ những phút đầu trong tác phẩm, đó là những cảnh “chiếu chân” bộc lộ ngôn ngữ cơ thể của nhân vật vốn đã trở thành thương hiệu, không lẫn vào đâu được! Nhịp chân dồn dập tạo cảm giác vội vã và hung dữ, hay đấy là những bước đi chậm, khắc họa nỗi ê chề và lo sợ, thậm chí bạn không cần nhìn biểu cảm khuôn mặt để hiểu cảm giác nhân vật đang trải qua. Chưa dừng lại ở đó, dấu ấn về nghệ thuật sử dụng “độ sâu trường ảnh” để hướng sự tập trung người xem trong các shot cũng rất tài tình, đan xen với hình ảnh sử dụng ngôn ngữ loài hoa và cánh bướm để ẩn dụ nhiều chi tiết về thời gian và ý nghĩa. Lấy vd hình ảnh con bướm tượng trưng cho cái chết – linh hồn của người đã mất đi (chi tiết bướm xanh, đổi màu sang đỏ trong shot) như để báo hiệu cho những gì sẽ diễn ra (trong Koe no Katachi thì bạn cũng sẽ gặp hình ảnh con bướm trong đám tang của người bà Shouko).

Phong cách Yamada luôn đặt nặng khả năng “diễn” của nhân vật lên hàng đầu, từng hành động, từng biểu cảm rất “con người” và giàu cảm xúc. Đấy không chỉ là hoạt họa bình thường, mà còn là hoạt họa “diễn xuất” khi từng động tác và biểu cảm nhân vật được tập trung ở nhiều góc độ khác nhau (Liz, K-On…). Chất art cũng tạo nên sự đặc trưng nhất định khi pha trộn hài hòa giữa đường nét cổ xưa với hiện đại. Hiếm có một phong cách hình ảnh từ đạo diễn nào mà lại mang nhiều nét đặc trưng như Yamada đã làm được. Theo mình thì cô đã có thể ngồi “chung mâm” với những đạo diễn tên tuổi khác trong ngành mà những tác phẩm của họ bạn chỉ cần “nhìn vào là nhận ra” như Yuasa, Hosoda hay thiên tài yểu mệnh Satoshi Kon.

Bên cạnh đó, Heike Monogatari là một thử thách chuyển thể lớn vì bản chất tác phẩm là một câu chuyện sử thi với thời gian kéo dài hàng chục năm. Nhưng nhờ vào tay nghề điêu luyện trong nghệ thuật trần thuật hình ảnh, Yamada đã phác họa nên một câu chuyện sống động, giàu cảm xúc, tác phẩm tập trung chủ đạo vào mối tương quan giữa người với người thay vì những tình tiết lịch sử khô cằn, với lối dẫn dắt trôi chảy tự nhiên. Mình lấy ví dụ một chi tiết nhỏ ở tập dẫn dắt (tập đầu), thời gian Biwa sống cùng gia đình Shigemori là tròn một năm, được thể hiện tinh chạm qua những shot thoáng qua về cảnh vật xung quanh như tuyết rơi (Đông), hoa anh đào trổ bông (Xuân), hoặc cảnh lá rơi (Thu) … dòng chảy thời gian diễn ra rất tự nhiên ở mỗi đoạn cảnh, chỉ cần bạn chú ý đến chi tiết hình ảnh là có thể cảm nhận được (nhân vật không cần phải nhắc rằng 1 năm đã trôi qua trong những đoạn thoại).

Mọi khung hình đều có dụng ý nhất định, từ góc quay, màu sắc cho đến phối cảnh, cho dù bạn không am hiểu về mặt “kỹ thuật”, thì những đoạn cảnh cũng sẽ chạm được đến mặt tiềm thức của khán giả để mang lại cho bạn trải nghiệm thú vị.

🏅 Các giải danh dự ở hạng mục này: 86, Sonny Boy.

Sơ qua chút về Sonny Boy, đây là anime dài tập “đầu tay” mang thiên hướng nghệ thuật của Shingo Natsume. Tuy nhiên, theo mình thì Natsume chỉ đang trong giai đoạn “khai phá” nên bạn sẽ dễ nhận ra sự ảnh hưởng mạnh trong phong cách Yuasa lên Natsume (vd nếu bạn đã xem qua Ping Pong hoặc Tatami Galaxy của Yuasa thì yếu tố dễ nhận thấy nhất là sự giống nhau trong phối màu và cảnh ở Sonny Boy). Hay nói một cách khác, Natsume vẫn chưa hoàn thiện được phong cách riêng của chính ông, tuy nhiên, mình tin với khả năng hiện tại thì sẽ không mất nhiều thời gian nữa để Natsume thoát khỏi cái bóng của người thầy Yuasa. Nói chứ, có vẻ Natsume vẫn quyết tâm học theo style của Yuasa trong thời gian sắp tới khi quyết định đầu quân cho Science Saru trong năm nay, nếu Natsume có thể vận dụng style của Yuasa để làm nền mà sáng chế ra một style riêng, mang đậm dấu ấn bản thân, thì Natsume sẽ là cái tên đạo diễn nổi trội đáng phải để mắt đến trong tương lai.

86 là một cái tên khác mình lựa chọn trong phần danh dự này, Ishii tuy là “lính mới” với bề dày thành tích và sự nghiệp ít hơn hẳn Natsume và Yamada, nhưng phong cách hình ảnh của Ishii thật sự làm mình ấn tượng qua chuyên môn cao về nghệ thuật phim. Bạn có thể tìm đọc các bài phân tích sâu của mình về 86 trên page.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button