2021 ANIME AWARDS – BEST ANIME OST
vivu đề cử Taishou Otome Otogibanashi.
Lần thứ 2 mình chọn bộ này rồi, và hoàn toàn là gu âm nhạc cá nhân mà thôi. Tuy nhiên công tâm phải khẳng định một điều, mảng OST chiếm đến một nửa giá trị của Taishou Otome Otogibanashi. Mảng âm nhạc làm rất tốt trong vai trò tạo không khí cho câu chuyện, đồng thời cũng thể hiện rất sâu sắc một nét trữ tình mang “phong cách Taishou”. Đặc biệt sau khi CD OST của bộ này ra mắt, mình càng thấy đề cử này là xứng đáng.
Đầu tiên phải kể đến cái tên đứng sau soundtrack của Taishou Otome Otogibanashi, đó là composer/musician Takanashi Yasuharu. Takanashi đã từng ghi dấu ấn với những nhạc phẩm trong Naruto, Fairy Tail hay Shiki, và sau này là Zombie Land Saga. Tuy nhiên khác với cách thể hiện ở những bộ trên, với Taishou Otome Otogibanashi, composer này lại chọn một lối diễn giải cảm xúc rất chậm rãi và nhẹ nhàng.
Về hình thức biểu hiện, toàn bộ soundtrack của Taishou Otome Otogibanashi đều có một sự giao thoa Đông – Tây khá thú vị. Giữa những tiếng piano, tiếng violin hay tiếng guitar sẽ thi thoảng nghe được cả âm thanh đặc trưng của shakuhachi, của đàn shamisen, của koto. Ngạc nhiên là sự hòa trộn phong cách cổ điển phương Tây với lối giai điệu da diết, trữ tình lại bắt nhịp rất hợp lý cùng tiết tấu truyền thống Nhật Bản. Cộng thêm với việc không sử dụng nhạc cụ điện tử, chất âm của Taishou Otome Otogibanashi càng có vẻ hoài cổ và mộc mạc.
Một đặc trưng nữa trong phong cách của Takanashi cũng được thể hiện trong OST của bộ này là tính đơn giản của giai điệu. Hầu hết các soundtrack chỉ có một giai điệu chính duy nhất trơn chu và liền mạch, tuy nhiên sức biểu cảm lại đến từ sự giản đơn ấy. Ta có thể lập tức cảm nhận được ngay nó đại diện cho niềm vui hay nỗi buồn, cho nỗi đau hay sự trân trọng.
Thêm nữa, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Opening/Ending và cả Insert song của Taishou Otome Otogibanashi. Dụng ý của âm nhạc cũng rất rõ ràng là đang kéo lùi thời đại, khiến cho bộ anime này tràn ngập một không khí cực kì hoài niệm.
“Otome no Kokoroe (オトメの心得) ” của GARNiDELiA là một Opening rất vui tươi, và sự hoạt náo lại mang phong cách disco thập niên 90. Ending song “Makogoro ni Kanade (真心に奏)” do Shunichi Toki thể hiện nghe rất giống Shiny Days của Yuru Camp mùa 1, nhưng cả hai dường như đều được truyền cảm hứng từ “I want you back” của The Jackson 5 từ những năm một chín bao nhiêu đó.
Bài ca ngâm nga của Yuzuki -“Hoshi no yo” là bài hát đưa nôi rất thịnh hành thời Taishou, vốn được nhà thơ Daisui Sugitani phổ lại Tiếng Nhật trên giai điệu bài thánh ca “What A Friend We Have In Jesus”. Lời nhạc kể về một đêm không trăng nhưng có rất nhiều sao, ánh sao chiếu sáng rực rỡ như những giấc mơ, rộng lớn như cả vũ trụ. Ngụ ý của nó là ngay cả khi tăm tối nhất, vẫn có những ánh sáng nhỏ bé không ngừng tồn tại và nhắc nhở ta tương lai tươi sáng còn ở phía trước.
Hai bài hát của diva Shiratori Kotori, đầu tiên là “Tsukiyo no Kotori” với sự hòa tấu của guitar và violin thể hiện một cảm xúc rất dịu dàng và ấm áp. Lời nhạc có sự tham gia chắp bút của Sana Kirioka – mangaka của chính manga gốc Taishoi Otome Otogibanashi. Bài thứ hai “Koi no Uta” lại mang phong cách trữ tình cổ điển, hơi phảng phất phong vị enka chút ít, nhưng thú vị là được hát bởi một giọng ca khá moe. (Mình đổ ngay từ đoạn “hora yura yura” vì giai điệu quá mềm và mượt).
Nói tóm lại là, mình cực kì đề xuất thử xem qua anime này, hoặc thử nghe qua OST của nó. Âm nhạc trong Taishou Otome Otogibanashi cho một cảm giác êm dịu rất chữa lành. Tuy nhiên cảm giác thanh thản của nó lại không mang tính thư giãn như OST của Yuru Camp mà cứ như phảng phất nỗi buồn xa xôi. Không hiểu sao cứ khiến mình nghĩ về triết lý “Mono no aware” – vạn vật vô thường, hoa đẹp sẽ tàn, người hợp rồi sẽ tan.
Các giải danh dự ở hạng mục này: 86.
suba đề cử Vanitas no Karte.
Năm nay nhìn chung không có bộ ost mà tôi quá ấn tượng, đặc biệt yêu thích như là năm 2017 và 2020 với tác phẩm Made In Abyss có nhạc nền được soạn bởi Kevin Penkin. Thế nên tôi trở về với nhà soạn nhạc mà mình yêu thích đó là Yuki Kajiura như là một “lựa chọn an toàn” vậy.
Nếu bạn nghe nhạc của Yuki Kajiura thì sẽ thấy là bà rất phù hợp với những tác phẩm có bầu không khí gothic. Phong cách Gothic ta có thể tạm hiểu đó là văn hóa Tây Âu nhưng theo hơi hướng đen tối, buồn bã với những thực thể kinh dị, bí ẩn như ma cà rồng, phù thủy hay “gothic lolita” những cô gái mặc những bộ đồ đen trắng như những nhân vật trong các tác phẩm tiểu thuyết cổ điển Anh quốc,… Trong những bộ mà Kajiura-san đã thực hiện soạn nhạc thì ta có Le Portrait de Petite Cossette, Madoka Magicka, Kuroshitsuji, Pandora Hearts, Princess Principal là mang phong cách này. Cho nên khi mà 1 dự án anime từ tác giả Jun Mochizuki người đã từng vẽ Pandora Hearts được thông báo thì không cần phải suy nghĩ nhiều, lựa chọn phù hợp nhất cho ost vẫn là Kajiura-san, bởi vì bà đã đóng góp cho Pandora Hearts bản nhạc đầy sâu lắng chạm đến lòng người như “Every time you kiss me”, “Lacie”.
Trong tác phẩm Vanitas no Karte, ta vẫn bắt gặp phong cách quen thuộc của bà với opera kết hợp pop rock hiện đại và việc sử dụng giọng ca nữ nhằm tạo nên sự êm dịu, uyển chuyển cho những giai điệu có tác dụng bổ trợ cảm xúc cho tác phẩm. Với chủ đề về vampire và lấy bối cảnh nước Pháp ta có thể cảm nhận được bầu không khí bí ẩn, đen tối và cả sự sang trọng lịch lãm được Kajiura-san thể hiện đầy ấn tượng trong âm nhạc.
Hiện tại thì trọn bộ nhạc nền của Vanitas no Carte chưa có phát hành chính thức nên mình chưa thể đánh giá bình chọn xem bản nhạc nào hay và mình yêu thích nhất. Nhưng mà nhìn chung từ những gì trong bộ anime mà mình đã nghe và cảm nhận được thì có thể nói là Kajiura-san đã không làm thất vọng, khi mà đã từ rất lâu ta mới thấy sự kết hợp của bà và 1 tác phẩm của tác giả Jun Mochizuki.
Các giải danh dự ở hạng mục này:
Fena: The pirate princess.
Nhìn chung thì ost của Fena do Kajiura-san soạn nhạc không hay và ấn tượng bằng những gì mà bà đã làm được trong Vanitas no Karte. Thế nhưng có 1 cảnh và 1 bản nhạc duy nhất đã làm mình phải đề cập đến tác phẩm này. Đó là cảnh mà nhân vật chính Fena nhảy múa ở tập 10 và bản nhạc “vice versa” vang lên. Thật sự quá là đẹp và hay luôn! Khiến mình có thể nói là bị nghiện cứ phát đi phát lại hoài. Hơi lạ khi mà đề cập đến cả bộ anime chỉ vì 1 cảnh như vậy nhưng mà đã bias Kajiura-san thì tới cùng luôn vậy.
Tsuki to Laika to Nosferatu.
Đối với tác phẩm Tsuki to laika thì lúc đầu tôi không có nhiều hy vọng về chất lượng sản xuất của đạo diễn và studio Arvo animation cho lắm. Nhưng mà sau khi xem xong thì rõ ràng là tốt hơn nhiều so với mong đợi, nhưng mà ấn tượng nhất đó là phần âm nhạc tạo bầu không khí Liên xô thời xưa rất tốt của nhà soạn nhạc Yasunori Mitsuda. Nga và Liên xô là 1 bối cảnh ít khi xuất hiện trong anime nhưng Mitsuda-san đã tạo nên những giai điệu đậm chất hùng hồn của quân đội và cả du dương sâu lắng trong những cảnh romace ngọt ngào đầy ấn tượng. Đặc biệt là tôi không nghĩ rằng sẽ có bản nhạc tiếng anh “Simple Life ~ My Beloved” by Sarah Àlainn đầy nồng nàn, lãng mạng vang lên giữa khung cảnh Irina trượt băng tuyệt đẹp.
v4v đề cử 86.
Hạng mục này khá thú vị khi các ad ai cũng có taste khác nhau.
Với mình thì tác phẩm có ost ấn tượng nhất trong năm sẽ thuộc về 86 vì sự dung hòa giữa những pha hành động hoành tráng, nồng nặc khói lửa trên chất nhạc điện tử hào hùng của Hiroyuki Sawano. Đặc biệt, ở những đoạn cảnh kịch tính nhất, “beats drop” rất đúng chỗ, đúng điệu làm mình nổi cả da gà. Các bản OP/ED và cả insert song như Avid, The Answer đều nghe đầy cảm xúc, Alchemilla của cour thứ 2 hợp với không khí của bộ một cách đáng ngờ, tạo cảm giác buồn bã, xen lẫn tuyệt vọng, phản ánh đúng với tình cảnh các nhân vật phải trải qua. Có lẽ mình không cần bình luận gì dài dòng về lựa chọn này vì đơn giản thôi, nhạc của Sawano nghe là cảm nhận được.